Nằm ở phía tây bắc của Tổ quốc, SaPa là một huyện vùng cao của tỉnh
Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ
diệu của cảnh sắc thiên nhiên. SaPa nằm cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km. Để đến đây có 2 đường: một từ thành phố Lào Cai vào, một từ Bình Lư (Lai Châu) sang, bằng nhiều loại phương tiện như: ôtô, xe máy.
Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết
hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu
xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo
nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.
Chìm trong làn mây bồng bềnh thị trấn Sa Pa như một thành phố trong
sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây, có thứ
tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái
đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1500m – 1800m, nên khí hậu Sa Pa ít
nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C.
Từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều.
SaPa tên gọi này từ tiếng quan thoại. Tiếng quan thoại gọi Sa - Pả,
“Sa” là cát, “Pả” là bãi. Địa danh của “bãi cát” này ở bên phải cầu km
32 từ Lào Cai vào Sa Pa. Ngày xưa chưa có thị trấn Sa Pa, cư dân ở vùng
đất này đều họp chợ ở “bãi cát” đó. Do vậy, dân địa phương ai cũng nói
là “đi chợ Sa Pả”.
Từ hai chữ “Sa Pả”, người Phương Tây phát âm không có dấu, nên thành
Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó là “Cha Pa” và một thời
gian rất lâu người ta đều gọi “Cha Pa” theo nghĩa của từ tiếng Việt. Còn
thị trấn Sa Pa ngày nay, trước có một mạch nước đùn lên đục đỏ, nên dân
địa phương gọi là “Hùng Hồ”, “Hùng” là đỏ, “Hồ” là hà, là suối, suối
đỏ.
Sa Pa có đỉnh Phan Si Păng cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Gọi
Hoàng Liên Sơn, bởi duy nhất trên dãy núi này có cây Hoàng Liên, một
loại dược liệu quý, hiếm. Ngoài ra dãy Hoàng Liên còn là “mỏ” của loài
gỗ quý như thông dầu, của bao chim thú, như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương
và của hàng ngàn loại thuốc. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136
loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi
trong “sách đỏ Việt Nam. Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong
đó có 173 loài cây thuốc.
Sa Pa có núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn, bất kỳ du khách nào cũng
có thể lên đó để ngắm toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả,
Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con
người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Và,
nếu ai đã đến Thạch Lâm (Vân Nam, Trung Quốc) thì Hàm Rồng cũng có thể
giúp các bạn tưởng tượng là Thạch Lâm được. Lên Hàm Rồng, du khách như
lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Sa Pa còn có nhà thờ cổ ở ngay thị trấn và từ thị trấn đi ngược về
hướng đông bắc trên đường đi tới động Tả Phìn có một tu viện được xây
gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát. Qua tu
viện đi bộ ba cây số theo hướng bắc ta đến hang động Tả Phìn với độ rộng
có thể đủ chứa một số lượng người cỡ trung đoàn của quân đội. Trong
hang nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn
tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh.
Đặc biệt tại thung lũng Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ
lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm mà nhiều nhà khảo
cổ học vẫn chưa giải mã được. Khu chạm khắc cổ đã được xếp hạng di tích
quốc gia.
Từ thị trấn SaPa, đi về phía tây khoảng 12km trên đường đi Lai Châu,
ta sẽ gặp Thác Bạc với những dòng nước đổ ào ào từ độ cao trên 200m tạo
thành âm thanh núi rừng đầy ấn tượng.
SaPa là “vương quốc” của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào
vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê,
hoa đào, hoa cúc, hoa hồng…đặc biệt là hoa bất tử sống mãi với thời
gian.
Sa Pa với 6 tộc người cũng cư trú, mỗi tộc người có một vốn văn hoá
riêng với các lễ hội như lễ hội “Roóng pọc” của người Giáy Tả Van, lễ
hội “Sải Sán” (đạp núi) của người Mông, lễ “Tết nhảy” của người Dao Đỏ,
tất cả đều diễn ra vào tháng tết hàng năm.
Chợ phiên của Sa Pa họp vào ngày chủ nhật tại huyện lỵ (thị trấn Sa
Pa). Người dân ở vùng xa phải đi từ ngày thứ bẩy. Vào tối thứ bảy mọi
người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái
người Mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của
khèn Mông, bằng những bát rượu tràn đầy của những người có tuổi…và người
ta đã đặt cho nó là “chợ tình”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét